Trải nghiệm nhanh Canon EF 35mm f/1.4 L II USM – Tuổi trẻ tài cao!

26/04/2016, 17:04

1. Lời đầu

Sau 18 năm dài ngự trị trên đỉnh của tiêu cự 35mm thuộc đế chế Canon, cuối cùng Canon EF Lens 35mm f/1.4 L USM chính thức nhường vương vị cho “kẻ mới tới” Canon EF Lens 35mm f/1.4 L II USM. Chuyện ở đây không chỉ đơn giản là “tre già mang mọc”, mà người kế nhiệm cần phải có đầy đủ phẩm chất để soán ngôi báu. Và rất may, cho cả Canon và người dùng, kẻ kế nhiệm này đích xác là một ví dụ của “tuổi trẻ tài cao”. Thực ra đây cũng không phải là điều quá lạ lẫm gì, vì những sản phẩm “Đệ Nhị” của Canon hầu hết là tốt hơn so với phiên bản “Đệ Nhất”, có thể kể ra các ống kính 16-35mm, 24-70mm và 70-200mm đời II là những ví dụ thực tế.

Người tiền nhiệm 35mm f/1.4 L USM được ra mắt vào năm 1998, với chất ảnh tuyệt vời về mọi mặt vào thời đó, cộng thêm công nghệ lấy nét cực nhanh USM, ống kính này nhanh chóng được liệt vào danh sách Bộ Ba Phép Thuật (Holy Trinity – Bao gồm 35mm f/1.4, 85mm f/1.2135 f/2của Canon. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của nhiều năm về trước và khi ngôi vương đổi chủ, lịch sử sẽ sang trang.

 

2. Cảm nhận đầu tiên

Cảm quan đầu tiên của tôi khi nhìn thấy chiếc ống kính này là trông hơi “đơn giản” quá. Những nút lấy nét, thước đo nét, tiêu cự và cả những kí hiệu công nghệ đều tập trung vào khoảng 1/3 thân ống kính, chính vì vậy nên 2/3 còn lại trông tương đối trống trải. Mặc dù không thích lắm nhưng  tôi nghĩ đó cũng là ý đồ thiết kế của Canon vì 2/3 trống trải này lại ở phía mặt phía dưới ống kính nhiều hơn nên cũng ít người ngó tới.

Cái đập vào mắt thứ hai chính là chất liệu vỏ ngoài. Vỏ ngoài của anh bạn đời II này rõ ràng là nhựa hơn phiên bản cũ (phiên bản cũ có vỏ ngoài bằng nhựa nhưng có khung kim loại) làm cho ống kính hơi kém sang, đặc biệt là với một ống kính đắt tiền thế này (xấp xỉ 1800 đô Mỹ). Tuy nhiên, một điều khá lạ là mặc dù làm bằng nhựa nhưng khi cầm thì 35L II cho cảm giác nặng hơn (thực tế là nặng hơn thật vì đời 2 vào khoảng 760gr còn đời 1 là 580gr). Lưu ý là đường kính filter của đời II vẫn chỉ là 72mm hoàn toàn giống đời I. Chắc chắn là điều này làm người dùng có cảm giác việc nặng hơn này có liên quan đến cấu tạo bên trong, vì thé bản thân tôi cũng có một sự mong đợi không nhỏ về chất lượng hình ảnh của người kế nhiệm. Chúng ta sẽ đi có cái nhìn chi tiết hơn ở phần sau của bài viết.

 

3. Thiết kế không nổi bật

Như đã nói ở trên, vỏ ngoài của Canon EF Lens 35mm f/1.4 L II USM làm hoàn toàn bằng nhựa, concept thiết kế vỏ ngoài bằng nhựa này đã xuất hiện từ chiếc 24-70 f/2.8 L II USM củaCanon và áp dụng cho tất cả những ống kính về sau, kể cả chiếc ống kính góc siêu rộng, đắt tiền nhất của hãng hiện tại là 11-24 f/4 L USM. Thật ra nói về chất lượng nhựa thì nhựa của một ống kính tầm cao nó cũng khác rất nhiều so với các ống kính thấp tiền hơn, ví dụ ta lấy 50mm f/1.8 STM, ống kính này cũng được thiết kế lại với chất liệu nhựa mới nhưng so với ống kít cao cấp hơn 1 chút là 18-135mm f/3.5-5.6 IS STM đã thấy khác chứ chưa nói tới các dòng L. Tuy vẫn không sướng bằng chất liệu kim loại cũ nhưng không vì thế mà các ống kính này kém chắc chắn.

Một điểm cộng từ phía những người có sở thích quay phim như tôi là vòng lấy nét của 35L II được thiết kế rộng rãi hơn chứ không hẹp như người tiền nhiệm. Về biên độ chuyển nét thì có vẻ là không khác nhưng rộng hơn là tốt hơn, bạn không cần phải với ngón tay đi quá xa để điều chỉnh nữa.

Cũng phải nhắc đến phụ kiện đi kèm, chiếc ống kính 35L II này đi kèm một chiếc hood hoàn toàn mới EW-77B. Đây là loại hood hình dạng hoa sen có nút bấm cài, chứ ko phải là loại xoay tháo, cá nhân tôi thì thích loại bấm cài này hơn. Tuy nhiên, chất liệu nhựa của hood này không thật sự làm tôi thấy thích thú, nó hơi mỏng và thiếu độ cứng cáp như các hood của ống kính L trước đây. Ngoài ra có thể vì hood khá mỏng nên tôi cũng có cảm giác lớp nhung bên trong (có vai trò giảm sự phản chiếu ánh sáng) cũng bị mỏng hơn.

4. Hình ảnh đẹp-xuất-sắc!

Rất tiếc là vì thời gian trải nghiệm ngắn ngủi nên tôi cũng chưa có dịp được so sánh trực tiếp với người tiền nhiệm đời I, cũng như một đối thủ cạnh tranh khác là Sigma 35 Art. Tuy nhiên, đây sẽ là một góc nhìn độc lập về chính chiếc ống kính mới kính coong này.

Ban đầu khi được cầm ống kính này, tôi đã rất đau đầu với việc tìm cách nào đó để truyền tải sức mạnh cũng như sự cải tiến của ống kính này, rất may cũng đã có chút ánh sáng le lói xuất hiện nơi cuối đường hâm. Vì tôi cho rằng ở điều kiện ánh sáng đầy đủ và khẩu khép sâu thì sẽ không có nhiều điều để nói về 35L II, nên tôi quyết định thực hiện cuộc thử nghiệm trong một quán pub nhạc sống, ánh sáng không chan hòa và khá phức tạp vì đèn sân khấu, tốc độ chụp rất khó lên cao vì nếu nhiễu ảnh quá nhiều sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng ảnh và từ đó khó có thể nhìn được sự cải thiện.

Điều đầu tiên để nói về chất lượng hình ảnh của ống kính này thì không gì khác là Độ Nét (Sharpness). Nếu ở đời 1, rất nhiều người than phiền về độ mỏng của trưởng nét cũng như độ nét ở rìa ảnh không tốt thì những điều này đã được khắc phục ở đời 2. Khoảng nét ngay ở khẩu f/1.4 rộng rãi hơn, chủ thể chiếm một phần lớn ảnh và cũng có trước-sau, tuy nhiên về cơ bản thì khoảng nét được trải đều cho cả thân hình. Một điều hay nữa về độ nét phải nói đến là chủ thể được chụp cũng không bị kiểu nét đanh, bật hẳn ra khỏi nền mà có một sự hòa trộn tương đối tốt với hậu cảnh. Tôi nghĩ đây là một chi tiết rất đáng giá, có lẽ một phần là vì tôi là “mô hâm phạn” của phong cách hậu cảnh creamy đến từ các lens Carl Zeiss.


 Thật ra về việc độ nét được cải thiện ở 35L II là một điều đã được tiên đoán trước, rất dễ dàng vì chúng ta hoàn toàn có thể ngó sang một ngôi sao khá được hâm mộ khác: Canon 24-70 f/2.8 L USM. Đời II của ống kính này hoàn toàn khác biệt, độ nét gia tăng không chỉ ở rìa mà ngay ở trung tâm, bokeh mịn hơn và phần coating của Canon vẫn làm tốt nhiệm vụ là cho màu ảnh ảo-tung-chảo.

Ngoài việc độ nét tốt, chủ thể có độ hòa quện tốt thì yếu tố hậu cảnh cũng là một điều rất nên chú ý. Trên thực tế có nhiều dòng lens L của Canon, đặc biệt đến từ các lens zoom cho ra những bức ảnh chủ thể thì tốt nhưng hậu cảnh thì lại không xứng tầm, thường gặp nhất là các chi tiết bị hòa quyện xen lẫn vào nhau bị thô và không đẹp (hay còn gọi là hậu cảnh nát). Canon 35mm f/1.4 L II USM phần nào đã khắc phục được điều này. Hậu cảnh không nhòe nhoẹt, ngay kể cả ở những khẩu lớn nhất – ví dụ ở đây là f/1.6 thì các chi tiết phía sau vẫn giúp chúng ta định hình được phía sau có gì.

Khẩu f/1.6

Nhắc đến hậu cảnh thì không thể không nhắc đến Bokeh, với một người yêu thích bokeh đẹp đẽ đến từ các ống cổ điển ngày xưa thì bokeh của chiếc ống kính đời mới này ở mức cũng được. Không ảo như đời I vì liên quan đến một thứ mà Canon không ghi lên tên ống kính này nhưng rất quan trọng, đó là lớp Blue-spectrum Refractive (BR) mà Canon rất tự hào đưa vào. Bokeh ở chiếc ống kính đời II này không quá tròn vành nữa, viền ngoài của các bokeh trông bị tối hơn, chính điều này làm giảm sự ảo diệu đi.

 Khẩu f/2.8

 

Khẩu f/1.6

 

Khẩu f/2.0

 

Khẩu f/1.4

 

Để mô tả đơn giản về công nghệ BR ở trên thì như Canon giới thiệu: Đây là một lớp thấu kính được cấu tạo bằng chất hữu cơ, lớp thấu kính này có trách nhiệm khúc xạ lại nhiều ánh sáng màu xanh da trời hơn, từ đó sẽ cho ra chất lượng ảnh đẹp hơn. Vẫn theo các chuyên gia, công nghệ này là một bước tiến lớn vì các ánh sáng màu xanh da trời rất khó để bị khúc xạ và vẫn còn là một thử thách rất lớn với các hãng sản xuất ống kính.

Về mặt méo và tối bốn góc (distortion & vignetting) thì 35L II làm tốt ở khâu xử lý méo nhưng tối bốn góc thì lại hơi nặng. Thật ra với tối bốn góc thì đó là một hiệu ứng quang sai kiểu như không ai ghét hẳn mà không ai thích hẳn. Rất nhiều người còn thêm cả hiệu ứng này vào khi retouch ảnh của mình để tạo hiệu ứng thu hút mắt nhìn hơn. Cá nhân mình thì thích khử đi hơn rồi sau đó thêm vào sau với mức độ mình mong muốn hơn là dựa vào vignette có sẵn. Các bạn có thể tham khảo ảnh ở dưới với bên trái là ảnh gốc, bên phải là đã correct qua Lightroom 6.3mới nhất.


Lời kết

Rõ ràng sau rất nhiều năm chờ đợi, Canon EF 35mm f/1.4 L II USM ra đời đã phần nào làm thỏa mãn những người yêu chất ảnh của dòng L Canon. Đập tan những sự phàn nàn về độ nét từ trung tâm ra ngoài rìa, cải thiện chất lượng hình ảnh (với tính năng BR). Thay đổi nghe qua thì ít nhưng thật ra Canon đã làm lại hoàn toàn chiếc ống kính đã từng tạo nên danh tiếng cho họ, một phiên bản mới với kết cấu bên ngoài không nhiều kim loại và cho cảm giác không chắc chắn, đầm tay như người tiền nhiệm nhưng giá trị lại thực sự đến từ bên trong với các cải tiến thực sự chất lượng.

Chào mừng đến với bộ ba thần thánh mới (The New Holy Trinity) – Canon EF Lens 35mm f/1.4 L II USM. Anh đã không làm chúng tôi thất vọng và mong rằng người tiếp theo đang đến cũng vậy.

Và sản phẩm đã có tại Camera Giang Duy Đạt tại: ĐÂY

Theo 50mm VietNam


Bình luận & Hỏi đáp


 


KẾT NỐI VỚI GIANG DUY ĐẠT CAMERA
Đăng ký nhận tin khuyến mãi, các ưu đãi và quà tặng từ Giang Duy Đạt
GIANG DUY ĐẠT HÀ NỘI

Địa chỉ: 463 Giải Phóng, Quận Thanh Xuân

Điện thoại: 024-3869-2865 - 0966-275-848
091-892-6655 - 0912-999-677 (Zalo, Viber, iMessage)

Báo giá & Hợp đồng: kt.giangduydat@gmail.com

Phòng In ảnh - Chụp ảnh: 024-3869-2865

Phòng Sửa chữa & Bảo hành: 0904-551-862

Khiếu nại - Góp ý: 0912-999-677

GIANG DUY ĐẠT TP. HỒ CHÍ MINH

Địa chỉ: 50/2 Trương Hán Siêu, Quận 1

Điện thoại: 098-532-1998 (Mr. Thịnh)

© 1996-2024 Công ty TNHH Giang Duy Đạt.

HỖ TRỢ & HỎI ĐÁP